Họa sỹ Lê Đình Nguyên - Kì nhân dị vật

Tôi biết Lê Đình Nguyên (Nguyên Trâu) đầu thế kỉ này, khi anh cùng Đoàn múa rối Trung ương tới CHLB Đức biểu diễn do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên dẫn đầu.
Họa sỹ Lê Đình Nguyên - Kì nhân dị vật

Năm ấy tôi cũng chỉ biết sơ sơ, anh là họa sỹ tạo hình những con rối. Nguyên có bạn thân cùng học hội họa ở Đức, có cả anh chị em làm ăn phát đạt, kinh doanh khách sạn khá lớn. Họ rủ Nguyên ở lại CHLB Đức, khi đất nước ta vừa kết thúc chiến tranh, chưa thoát khỏi những khó khăn thời bao cấp, cuộc sống còn quá nghèo túng và nước Đức với một số người là miền đất hứa.

Nhắc lại những ngày ấy, Nguyên bảo, ở lại Đức làm ăn có thể có tiền, thậm chí nhiều tiền, nhưng sẽ mãi mãi bỏ nghề, bỏ nghệ thuật và Nguyên đâu còn là Nguyên nữa?

 

hoa sy le dinh nguyen ki nhan di vat hinh 1
Lê Đình Nguyên bên cạnh một tác phẩm về trâu do anh thực hiện.

Về hẳn Việt Nam, tới thăm Nguyên Trâu. Ngôi nhà đẹp, ba tầng, khiêm tốn nhỏ nhắn trong làng Yên Phụ, ngập tràn những con trâu các loại. La liệt trên cầu thang, cạnh các lối đi và trên kệ là những con trâu gỗ thếp sơn ta đen và đỏ, những con trâu cổng làng, trâu trời, trâu nhà kềnh càng, có con trâu dài như cái cần cối giã gạo ở thôn quê biết phát ra âm thanh quen thuộc. 

 

Nguyên Trâu từ chối chuyện ra đi kiếm ăn ở xứ người khi đất nước còn khó khăn nhất, để sống chết với bầy trâu của anh là bởi thế chăng? 

Lê Đình Nguyên là đứa con trai duy nhất của một cán bộ tập kết khu V, theo cách mạng từ ngày tiền khởi nghĩa. Anh sinh ra ở Hà Nội, cả tuổi thơ của Nguyên là sơ tán, là chiến tranh, mũ rơm và sự ám ảnh của không khí làng quê, cả không khí của những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Học hết phổ thông, cậu phải học đào tạo cơ khí và trở thành công nhân Nhà máy y cụ Hà Nội. Vốn khéo tay và chân chất, thật thà lại chăm chỉ, Nguyên được ông Giám đốc rất yêu quý. Anh không chỉ chịu khó, trong lao động Lê Đình Nguyên luôn có nhiều sáng kiến cải tiến khi sản xuất dụng cụ y tế mới đòi hỏi nhiều kĩ năng sáng tạo. 

Nhưng sự ham muốn nghệ thuật từ cái năng khiếu bẩm sinh, từ sự đam mê hội họa lúc niên thiếu vẫn thôi thúc anh. Cậu bé năm nào cứ rời sách là vẽ tranh trên nền gạch, trên sân chùa, trên cả bức tường cha cậu vừa xây xong, bị cha đánh quắn đít, hưởng bao trận no đòn chí tử, nhưng Lê Đình Nguyên vẫn quyết định theo đuổi đam mê của mình.

 

hoa sy le dinh nguyen ki nhan di vat hinh 2
Lê Đình Nguyên làm việc bằng toàn bộ nhiệt huyết của mình.

Lê Đình Nguyên quyết định xin nhà máy bỏ nghề cơ khí, trong sự luyến tiếc về một tài năng thợ cả mà Giám đốc nhà máy yêu quý để đi học Mỹ thuật công nghiệp và sau đó trở thành họa sỹ chính của Đoàn nghệ thuật múa rối Trung ương.

 

Bao nhiêu năm trong đoàn nghệ thuật rối nước, gắn bó với những linh vật của một nền nghệ thuật có một không hai trên thế giới: Múa rối nước, Lê Đình Nguyên lại một lần nữa bắt nhịp, đào sâu nghiên cứu, thừa hưởng rất nhiều tinh hoa dân gian, ở sự tạo hình dân dã mộc mạc trong những con rối đã ngàn năm nay. Chính điều ấy, cùng với sự học hỏi có bài bản ở trường Mỹ thuật công nghiệp, giúp cho Lê Đình Nguyên đứng trên một bàn đế vững vàng để anh sáng tạo những nhóm trâu kì lạ và khác biệt, hiện đại và dân dã. Chúng vừa hiện đại ở tạo hình vừa gần gũi nôm na rất gần gũi với tâm hồn Việt.

Hàng chục nghìn con trâu gỗ của Lê Đình Nguyên được bày bán và theo chân các nhà sưu tầm xuất khẩu đi nhiều nước. Những chú trâu nhỏ, gỗ và thạch cao thếp sơn ta nom không giống bất cứ nhà tạo hình nào trước anh sáng tạo lại ngộ nghĩnh và đáng yêu bắt mắt con người bốn phương.

Sau cuộc triển lãm lần đầu tiên do họa sỹ Lê Thiết Cương tổ chức năm 2010 tại Gallery 39 Lê Quốc Sư (Hà Nội), Lê Đình Nguyên được giới hội họa ồn ào biết đến ngoài cái tên Nguyên rối nước và, họ đặt cho anh một biệt danh thật đặc biệt: Nguyên Trâu. Người vẽ vật trong giới hội họa khá nhiều, tạo vật cũng không ít nhưng mấy ai được tác phẩm của mình gắn bó với tên cha sinh mẹ đẻ để cho một cái tên ấn tượng nhiều danh dự như thế?

Cái con người luôn cười xòa, ăn mặc bụi bặm, đi đứng nói năng ngang tàng và tính thẳng như kẻ chỉ, lại luôn luôn cấn cá giữa vai trò họa sỹ và điêu khắc. Thực ra Nguyên Trâu vẽ tranh rất khá. Anh đã có tranh bán thường xuyên từ những ngày vừa ra trường ở ngay trong gian hàng giữa trung tâm Bờ Hồ, nhưng tranh của anh lại không nhiều và thực chất tranh không chi phối toàn bộ cuộc đời anh.

Công việc chính của Nguyên là họa sỹ, tạo hình chính ở đoàn múa rối và chính những con trâu nhỏ của anh đã nuôi cả gia đình sống xông xênh. Những con trâu gỗ lớn ở loại hình điêu khắc động đã được nhiều nhà sưu tầm nước ngoài mua với giá ngất ngưởng. Như thế là họa sỹ thì chưa đủ và thực chất, anh đã sống, đã yêu, làm tất cả cho điêu khắc, một cách chuyên nghiệp, điều mà ít nhà điêu khắc có được. 

 


Cách đây ba năm mến mộ nhau, tôi dẫn họa sỹ bậc thầy Thành Chương tới nhà anh chơi. Chỉ mấy giờ ngắm nghía, họa sỹ Thành Chương đã mến mộ những chú trâu nhà Nguyên Trâu và con người đơn giản, trong trẻo như một gã thiểu số lạc loài về Hà Nội này.

 

Cú hích của Thành Chương và vài bạn bè thân tín đã đưa Nguyên Trâu vào một cuộc phiêu lưu mới. Suốt ba năm đằng đẵng, Nguyên Trâu bắt tay vào sáng tạo đàn trâu của mình. Tìm thêm nhiều chất liệu khác trước để biểu hiện. 

Những năm tháng ở nhà máy y cụ và ở đoàn múa rối cho anh nhiều kinh nghiệm. Để tạo ra những chú trâu màu trắng như đất lại ánh vàng sắc rơm không thể phai mầu khi tạo ra vật liệu thạch cao cho sự tạo hình mới, Nguyên Trâu đã mày mò rất nhiều ngày đêm và anh đã thành công khi tạo ra những con trâu từ nguyên liệu hỗn hợp này mà vẫn giữ nguyên sắc vàng rơm màu lúa. Những nhát phạt, chém, tạo hình phơi ra những mảnh màu trắng tinh và óng ánh màu rơm vàng rất gợi và làm cho các chú trâu mới lung linh lạ thường trong sắc điện ở những gian phòng cao cấp hiện đại.

Chúng tôi đã chứng kiến những đêm ngày thăng hoa như gã điên khùng để tạo nên một đàn trâu hàng trăm con trên nhiều vật liệu; từ gỗ, thạch cao, rơm vàng, lá cọ, nan tre và cả từ sắt thép với những vật dụng khá quen thuộc của một thời dựng và giữ nước. Cả một câu chuyện về cuộc đời này, lịch sử bao nhiêu năm nay của dân tộc Việt, từ lao động sản xuất ra lúa gạo, xây dựng đất nước đến bảo vệ đất nước trong đạn bom chiến tranh mà tuổi thơ Nguyên nếm trải.

Tất cả thêm một lần tái hiện trong dàn đồng ca trâu của nhà điêu khắc Nguyên Trâu. Cái con người trong sáng đến ngây thơ nhìn thế giới qua con trâu, thể hiện tâm hồn mình qua con trâu bằng tình yêu đến kì lạ. Anh nhìn đâu cũng thấy con trâu tuổi thơ của mình, con trâu gắn bó với một đất nước nông nghiệp lúa nước... "con trâu đi trước cái cày đi sau", con trâu hay con người gắn bó với cả cuộc chiến tranh thương đau và đằng đẵng đã tạo nên bầy trâu có trâu thồ, trâu bom, trâu đen và trâu đỏ... của nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên, một loài trâu không giống bất cứ một con trâu nào ở nghệ thuật tạo hình dân gian và nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đương đại để họa sỹ Thành Chương thốt lên "Kì nhân tạo dị vật".

 

hoa sy le dinh nguyen ki nhan di vat hinh 3
Triển lãm của Lê Đình Nguyên sẽ khai mạc vào lúc 16h30 ngày 6/1/2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Điêu khắc Lê Đình Nguyên là nghệ thuật điêu khắc kết hợp giữa sự tạo hình tĩnh kết hợp với chuyển động và âm thanh. Về nghệ thuật điêu khắc động ngay từ nghệ thuật tạo hình ở ta đã có từ lâu và đậm nét trong sự tạo hình múa rối. Trên thế giới, như ở Đức có tác phẩm ngựa sắt "Rolling Horse" trước nhà ga Berlin Hauptbahnhof rất đẹp và nổi tiếng. 

 

Những tác phẩm của Lê Đình Nguyên là sự thuận theo dòng chảy điêu khắc hiện đại thế giới hôm nay, nhưng cũng chứa đựng trong nó cái nôm na, đáng yêu khá gần gũi với con người Việt mà gốc gác ở trong sâu thẳm điêu khắc dân gian Việt. Những tác phẩm Lê Đình Nguyên thành công ở chỗ để cho cái hiện đại và bản sắc dân gian hòa vào nhau khá nhuần nhuyễn.

Họa sỹ Thành Chương nhận xét: “...Những tác phẩm về trâu của Nguyên, ý tưởng thật thâm trầm sâu sắc, nghề nghiệp thật điêu luyện vững vàng, mảng miếng hình khối thật tinh tế và độc đáo... Tất cả nhuần nhuyễn hòa quyện thành một không gian điêu khắc rất hiện đại, rất dân tộc mà cũng thật là Nguyên...“.

Triển lãm "Lê Đình Nguyên - Kì nhân dị vật" lần này của nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên, có khối lượng tạo hình lớn hàng trăm nhân vật trâu, với chất liệu gỗ, sắt, tre, thạch cao và rơm, cùng với sự chuyển động kì lạ, kết hợp nhiều chiêu thức âm thanh bất ngờ, vừa hiện đại vừa dân dã. Tất cả bầy đặt như một câu chuyện thú vị của trâu lại dấu diếm trong đó một câu chuyện dài làm người xem có thể hình dung ra một bối cảnh có tính huyền thoại, dã sử dân tộc Việt trăm năm qua.

Tất cả là sự lao động quên mình của một con người yêu sự hồn nhiên. Nó cũng chứng tỏ sự lao động sáng tạo thực sự của một tâm hồn điêu khắc Lê Đình Nguyên và cuộc triển lãm mang lại nhiều ấn tượng kì thú, sự phát hiện của một thế giới trâu quen thuộc nhưng cũng lắm kì thú của một loại hình nghệ thuật được gọi là điêu khắc trong một tài năng có tên là Nguyên Trâu./.

Nguồn tin: vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây